Một số rắc rối trong quá trình đeo nhẫn cưới mà ai cũng từng gặp phải và cách giải quyết
Nhẫn cưới là tín vật trăm năm của các cặp đôi quyết định về chung một mái nhà. Nó là vật minh chứng cho tình yêu thiêng liêng và giữ một vai trò quan trọng trong đời sống hôn nhân. Chiếc nhẫn cũng như bao món trang sức khác, người sử dụng sẽ gặp không ít vấn đề rắc rối trong quá trình sử dụng nó. Hãy cùng tìm hiểu đó là gì và hướng giải quyết như thế nào qua bài viết dưới đây.
Cảm giác vướng víu, khó chịu ở tay trong thời gian đầu đeo nhẫn
Khi bạn quyết định đám cưới với người bạn đời của mình thì bạn sẽ đeo chiếc nhẫn cưới ở ngón tay áp út theo quy luật “nam tả, nữ hữu”. Chiếc nhẫn là kỷ vật minh chứng cho tình yêu đã đơm hoa kết trái và thông báo cho mọi người cùng biết bản thân “đã có chủ”. Trong thời gian đầu đeo nhẫn, có lẽ ai cũng gặp phải rắc rối không nhỏ đó là có cảm giác nặng nặng ở tay, vướng víu, khó chịu do chưa quen.
Không sao cả, vấn đề này sẽ được giải quyết sau một vài tháng, lúc đó khi đã quen đeo nhẫn, bạn sẽ không còn cảm giác khó chịu này nữa mà thay vào đó là một sự thoải mái và cảm giác thích thú khi nhìn ngắm nó mỗi ngày.
Ngứa, kích ứng da ở ngón tay đeo nhẫn
Một số người đeo nhẫn trong thời gian đầu tiên sẽ có cảm giác bị ngứa, kích ứng da ở ngón tay đeo nhẫn do trong quá trình làm việc, đôi bàn tay có ra mồ hôi hoặc bị nước, bụi bám dính vào và mắc vào trong khe rỗng giữa lòng nhẫn. Rắc rối khó chịu này sẽ được giải quyết bằng cách bạn sẽ phải thường xuyên tháo nhẫn ra để vệ sinh một tuần khoảng từ 2-3 lần hoặc sau khi bàn tay đã đụng nước xong, bạn nên dùng khăn mềm lau khô ngay lập tức, đặc biệt là ngón tay đeo nhẫn.
Thêm vào đó, bạn nên xoay xoay chiếc nhẫn quanh ngón áp út của mình rồi lấy khăn lau đi những giọt nước còn đọng ở kẽ tay chỗ đeo nhẫn. Chỉ cần siêng thực hiện như vậy, bạn sẽ không gặp bất kỳ cảm giác ngứa hay khó chịu nào.
Nhẫn rộng, chật theo thời gian
Trước khi mua nhẫn cưới, các cặp đôi đã thử nhẫn cho vừa vẹn với ngón tay của mình. Hoặc nếu đặt chế tác nhẫn, cặp đôi nào cũng phải được đo ni tay để có được tín vật hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, trong suốt quá trình đeo nhẫn cưới, bạn cũng sẽ gặp một rắc rối nhỏ chính là chiếc nhẫn sẽ rộng hoặc chật theo thời gian do khối lượng cơ thể của bạn lúc này mập lên hay ốm đi và kéo theo đó là bạn sẽ sở hữu đôi bàn tay mũm mỉm hoặc hao gầy.
Việc nhẫn cưới bị chật sẽ làm bạn khó chịu và có cảm giác đau khi đeo nhẫn. Trong khi đó, đeo nhẫn rộng sẽ làm dễ rơi rớt kỷ vật cưới bất cứ lúc nào. Cách giải quyết đơn giản nhất là bạn nên mang chiếc nhẫn của mình đến APJ – Thương Hiệu Nhẫn Cưới Đẹp để nhờ những nghệ nhân kim hoàn chỉnh size nhẫn giúp bạn. Hiện nay, những người gặp phải trường hợp size nhẫn rộng và chật theo thời gian là chị em phụ nữ lúc mang thai.
Rớt những phụ kiện trên nhẫn
Như chúng ta đã biết, nhẫn cưới là kỷ vật thiêng liêng theo con người đến suốt cuộc đời nếu như cuộc hôn nhân đó suôn sẻ. Trung bình mỗi cặp nhẫn cưới có tuổi thọ từ 30-50 năm. Đây là một thời gian khá dài. Vì thế, trong suốt quá trình sử dụng nhẫn cưới, chúng ta sẽ gặp phải vấn đề rớt những phụ kiện trên nhẫn như: rớt những viên đá ruby được đính kết trên thân nhẫn hoặc rớt những họa tiết khác của nhẫn.
Bạn không nên buồn vì chuyện nhẫn của mình không còn được nguyên vẹn như xưa mà thay vào đó bạn nên đến các cửa tiệm kim hoàn để nhờ người thợ gia công lại chiếc nhẫn cho bạn để giống với chế tác ban đầu. Hoặc để tiết kiệm chi phí tối đa nhất, khi mua nhẫn cưới, bạn nên chọn mẫu nhẫn trơn để không phải bị rớt phụ kiện hoặc hạn chế được quá trình va chạm, gây trầy xước, sứt mẻ cho nhẫn cưới. Mẫu nhẫn trơn phù hợp với tất cả tính chất công việc của các cặp đôi.
Gãy nhẫn cưới
Khi đeo nhẫn cưới lâu năm, bạn cũng sẽ gặp vấn đề nứt nhẫn hoặc gãy nhẫn cưới. Nguyên nhân là vì theo thời gian, cặp nhẫn đã bị bào mòn do tác động trong quá trình chúng ta làm việc, tiếp xúc với những hóa chất hoặc nhiệt độ cao. Người gãy nhẫn cưới thường là chị em phụ nữ vì họ phải làm việc nhà, lau chùi nhà vệ sinh, rửa chén bát, giặt áo quần…
Giải pháp cho bạn trong trường hợp này chính là mỗi khi tổng vệ sinh nhà cửa nên tháo nhẫn cưới ra và cất cẩn thận, xong việc nội trợ hãy đeo nhẫn cưới vào. Hoặc bạn mang nhẫn của mình đến các tiệm trang sức để nhờ các nghệ nhân kim hoàn nối lại tín vật này cho bạn.
Trên đây là một số rắc rối mà chúng ta sẽ gặp phải khi quyết định đeo nhẫn cưới trên tay. Những vấn đề nói trên luôn có cách giải quyết êm đẹp nhất phải không nào? Hy vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin quý giá để có cách sử dụng trang sức này khoa học hơn. Hãy luôn trân quý chiếc nhẫn cưới của mình bạn nhé.
Nhận xét
Đăng nhận xét